Dâu ta hay còn gọi là Dâu tằm, (Dâu cho lá nuôi tằm kéo tơ) có ở nhiều nơi. Cây Dâu nuôi tằm thì nhiều lá, quả ít và nhỏ, vị chua. Cây Dâu lưu niên thì quả nhiều, to, đỏ, tím mọng, ngọt. Mỗi loại có đặc tính riêng tuỳ theo mục đích sử dụng. Loại Dâu lưu niên được trọng dụng hơn. Quả dâu có tên Hán là Tang thầm (Tang thâm tử) tên khoa học phổ biến là Morus Alba.
Trong Đông y, trái Dâu được dùng từ đời Đường. Các công trình nghiên cứu cho thấy Dâu ta và Dâu Tầu có giá trị nuôi tằm và làm thuốc tương đương nhau.
Theo Trung dược học bản thảo : Trái Dâu tằm có công dụng bổ thận, dưỡng huyết, khu phong, sáng mắt, tăng lực, chữa táo bón kinh niên; theo Bản thảo cương mục Lý Thời Trân: Trái Dâu giải được độc của rượu, lợi cho cả khí, cả thuỷ trong cơ thể.
Cây Dâu cho lá nuôi tằm ra hoa kết trái vào tháng 2, 3. Đến mùa Thu thì trái ít và nhỏ hơn. Giống Dâu vườn lưu niên cho quả nhiều, to, ngọt và chất lượng tốt hơn. Trồng Dâu lấy quả phải chọn giống Dâu ít lá, lá nhỏ và mỏng. Ở miền Bắc Công ty Đông dược Bảo Long đã chọn quả Dâu Ba Vì (Hà Tây) để sản xuất Vang dâu cho chất lượng cao. Dâu càng chín (tím đen) càng thơm ngọt, bớt chua chát, nhiều chất bổ dưỡng.
Theo Viện Dược liệu Bộ Y tế: Trong quả Dâu: Nước 84,71%; Đường 9,19%; Axit 80%; Protit 0,36%; Tanin; Vitamin C; Caroten. Trong đường có glucoza, fructoza. Trong axit có axit malic, axit sucinic. Một số tài liệu Trung Quốc cho biết: Cứ 100g quả Dâu có 1,6g anbumin, 0,4 chất béo, 9,6g chất đường, 20mg caroten, 30mg canxi, 33mg phốtpho, 0,3mg sắt.
Thu hoạch dâu chín phải nhẹ tay, không để dập nát, gây lên men, không chất đống, thiếu không khí, dễ gây giảm chất lượng của các chế phẩm. Chế biến quả Dâu bằng nhiều cách, từ đơn giản đến phức tạp: nước ép Dâu, Cao Dâu, Dâu ủ men, Dâu hấp, mứt Dâu, bột Dâu, Dâu xào thịt… Trong các chế phẩm đó, có khi chỉ dùng trái Dâu, có khi phối hợp thêm nhiều thức ăn hay các vị thuốc Đông y khác để phục vụ cho mục đích điều trị khác nhau.
Quả Dâu chín có tác dụng chữa bệnh rất tốt:
- Bổ can thận, ích tâm huyết, thính tai, sáng mắt, lợi xương khớp - Rượu tang thậm (Tang thậm tửu). Trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân: Quả Dâu tươi, chín 5000g, Gạo nếp 6000g. Men rượu vừa đủ. Quả Dâu phải chín đều, ép lấy nước, đun sôi để nguội, cho cơm nếp, men rượu, trộn đều cho vào bình ngâm. Ngày uống mỗi lần 30 – 50 ml/ngày, vào 2 bữa cơm.
- Dưỡng huyết đen mượt tóc (Trung y mỹ dung): Quả Dâu tươi chín 50g. Đường phèn vừa đủ. Quả Dâu rửa sạch, cho vào nồi đất, nước vừa đủ, sắc lấy nước, hoà đường phèn để uống. Có thể uống thường xuyên, nhất là về mùa hè.
- Các bệnh tuổi già: Nhức mỏi cơ xương, khớp, đau lưng gối, hoa mắt, ù tai, chóng mặt, táo bón, kém ăn, yếu sức, đoản hơi, tóc râu khô bạc, rụng, hay quên, lẫn.
* Cháo quả Dâu: Quả Dâu chín 40g, Gạo cũ 50g, Đường phèn vừa đủ. Nấu cháo loãng, ăn buổi sáng (khi chưa ăn gì, bụng còn đói), rất tốt với trẻ em, người già, yếu, ốm dậy.
* Bánh mè quả Dâu: Quả Dâu 30g, Vừng đen 60g, Bột nếp 700g, Bột gạo tẻ, hạt Đay 10g, Đường trắng 30g. Làm bánh, hấp chín.
- Tóc khô gẫy, rụng, chóng bạc:
* Quả Dâu 100g, rượu 1/2 lít, ngâm 3 ngày. Uống ngày 2 bữa cơm. Mỗi lần 20ml.
* Quả Dâu, Sinh địa, mỗi thứ 30g, Đường trắng 15g. Giã nát, sắc uống, chia 10 lần uống.
- Mất ngủ cấp tính: Quả Dâu tươi 60g (khô 30g) sắc uống 2 lần/ngày vào chiều tối.
- Mất ngủ kinh niên: Quả Dâu 15g, Thục địa 15g, Bạch thược 15g sắc uống.
- Các chứng bệnh sau đẻ: (hậu sản do âm huyết kém: ho, sốt): Dâu, Long nhãn, Đẳng sâm, mỗi thứ 30g, nghiền nát 3 thứ. Uống mỗi lần 2 – 3g với nước đun sôi để nguội, ngày 3 lần.
- Hồi hộp, tim đập nhanh, đau tức ngực: Quả Dâu 30g, Ngân nhĩ 20g, Ô mai 3g. Sắc kỹ uống ngày 2 lần.
- Ho lâu ngày do phế hư: Quả Dâu 150g, Lá Dâu 100g, Vừng đen 100g, cô cao lỏng, thêm 500g đường, uống ngày 3 lần. Mỗi lần 15g (1 thìa con).
- Phù thũng: Cành Dâu một nắm, băm nhỏ, đổ ngập nước, đun còn một nửa bỏ bã; Dâu chín một lượng bằng lượng cành, nấu nhừ lọc bỏ bã cô đặc, cho đường, ít rượu, ngày uống 2 thìa canh, hoà nước cơm uống trước bữa ăn.
- Chảy nước mắt sống (Nước mắt tự nhiên chảy ra): Quả Dâu 20g, Cà chua một quả, đem nghiền nát. Ăn hết một lần. Ngày 1 – 2 lần. Đồng thời lấy lá Dâu già, chưa rụng, nấu lấy nước rửa mắt hàng ngày.
- Ăn không tiêu, trướng bụng óc ách, tức thở: Quả Dâu 10g, Bạch truật 6g, sắc uống.
- Hoạt huyết, dưỡng huyết thông kinh – chữa bế kinh do huyết ứ: Quả Dâu 15g, Hồng hoa 3g, Kê huyết đằng 12g, Rượu trắng 1 thìa con (15ml). Cho tất cả vào nồi, nấu lấy nước, bỏ bã. Ngày 1 thang, uống trong 5 – 7 ngày.
- Ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm: Quả Dâu, Ngũ vị tử. Mỗi loại 10g, sắc kỹ còn 1/2, uống ngày một lần.
- Bệnh mạch vành: Quả Dâu 30g, Câu kỷ tử 30g, Gạo dính 15g. Nấu uống ngày 2 lần.
- Viêm đa khớp dạng thấp: Quả Dâu tươi 100g, Rượu trắng (gạo hoặc nếp ngon). Dâu rửa sạch, giã nát, gói vào túi vải, ngâm vào rượu 3 – 5 ngày. Uống mỗi lần 20 – 25ml.
- Viêm khớp nói chung: Quả Dâu 250g, cành Dâu 150g, chùm Gửi dâu 100g. Ngâm rượu uống.
- Đái tháo đường do can thận âm suy: Quả Dâu 30g, Thiên hoa phấn 20g, Sinh địa 15g. Sắc uống. Quả Dâu tươi 1kg, Gạo nếp 0,5kg, men rượu vừa đủ dùng. Giã nát Dâu cho gạo nếp vào nấu cùng thành cơm nếp, để nguội rắc men rượu, trộn đều cho lên men thành rượu cái. Ăn khai vị trước bữa cơm.
- Viêm gan mãn tính, ung thư (cancer) gan: Quả Dâu tươi 500g, Bột Củ ấu 50g, Mật ong 30ml. Ép Dâu lấy nước cô đặc, trộn bột Củ ấu và Mật ong nấu chín. Dùng điều trị hỗ trợ ung thư gan bị huyết hư, miệng lưỡi khô, thần kinh suy nhược mất ngủ, táo bón.
- Tràng nhạc: Trái Dâu chín 500g, Thục địa 200g (thái nhỏ), cho vào túi vắt lấy nước cô thành cao, dùng mỗi lần một thìa với nước đun sôi để nguội. Ngày 3 lần.
- Say rượu: Quả Dâu ép lấy nước uống.
Quả dâu dùng ngoài
- Bỏng, vết thương chảy máu: Quả Dâu rửa sạch, ép lấy nước, bôi, rửa đắp.
- Nấm, hắc lào: Quả Dâu tươi 60g. Giã nát, sát lên chỗ tổn thương.
Những tương kỵ khi dùng quả Dâu: Chống chỉ định đối với các bệnh thuộc hàn chứng (vì quả Dâu thuộc tính hàn) như sôi bụng, ỉa chảy. Theo sách xưa, kỵ dùng dụng cụ kim loại, phải dùng dao nứa và nồi phải được tráng men. Xưa dùng nồi đất.
dongyhoangtuyen.com