Thứ ba, Ngày 31/12/2024

TRA"VỊ THUỐC"THEO VẦN

Địa cốt bì - vị thuốc quí

  • 23/05/2015
  • 2059 lượt xem

Địa cốt bì là rễ phơi khô của cây khủ khởi, hay khởi tử hoặc câu kỷ, có tên khoa học là Lycium chinense, Mill, họ cà Solanaceae. Cây thuộc loại nhỏ cao 1-1,5m mọc thành bụi sum suê, nhiều cành, đôi khi có ít gai, mọc ở kẽ lá, hoa nhỏ, cánh hoa màu tím đỏ, quả mọng hình trứng dài 5-20mm, đường kính 4-8mm, khi chín màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ, là vị thuốc quý với tên câu kỷ tử.

Cây có rễ ăn sâu vào đất, vỏ rễ rất dày, sức thuốc có thể thấu tới tận xương nên gọi là địa cốt bì. Cây được trồng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, nhưng chưa nhiều.

Theo Đông y: địa cốt bì vị đắng, tính hàn vào ba kinh phế, can, thận. Tác dụng thanh phế, chỉ ho, trị chứng phế nhiệt gây ho, suyễn tức; Dưỡng thận, bổ tỳ, thư can, trừ hư nhiệt trong trường hợp thuỷ thận bất túc, âm hư hỏa vượng, làm kiện cân, cường cốt; Địa cốt bì có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, trị chứng cốt chưng (nóng trong xương), tác dụng tốt trong bệnh hư lao, xuất huyết.

Một số bài thuốc có địa cốt bì

Bài 1: Trường hợp ho nhiệt, suyễn tức: địa cốt bì 9g, bạch tiền 9g, tang bạch bì 6g, sinh khương 6g, ma hoàng 3g, sinh địa 12g, sắc uống.

Bài 2: Chữa ho do phế nhiệt đổ cả máu mũi, ho có tiếng, đờm khò khè: tang bạch bì 16g, địa cốt bì 16g, sinh thảo 6g, gạo tẻ 20g, sắc uống.

Bài 3: Trị chứng phế nhiệt âm hư, biểu hiện ho, hen suyễn, khái huyết:  địa cốt bì 12g, bạch mao căn 12g, trắc bách diệp 19g, sắc uống.

Bài 4: Trị chứng nhiệt lao người nóng như đốt: địa cốt bì 80g, sài hồ 40g, nghiền nhỏ mỗi lần uống 8g với nước sắc mạch môn, ngày uống 2-3 lần.

Bài 5: Chữa chứng thận hư gây lưng đau, gối mỏi: địa cốt bì 64g, đỗ trọng 64g, rượu trắng 500ml, ngâm uống hằng ngày, có thể kết hợp thêm một vài vị thuốc bổ khác.

Bài 6: Chữa thân thể gầy mòn, ốm đau, suy nhược cơ thể: địa cốt bì, trần bì, thần khúc mỗi thứ 12g, nấu với thịt dê hoặc gan dê 250g, ăn hằng ngày chia làm nhiều bữa.

Bài 7: Chữa thần kinh suy nhược: địa cốt bì, sài hồ, tri mẫu, bán hạ, nhân sâm, cam thảo, xích phục linh, lượng bằng nhau nghiền bột, mỗi lần 6-8g và 5 lát gừng tươi, sắc uống sau bữa ăn.

Bài 8: Trường hợp hư lao rất khát, xương khớp phiền nóng: địa cốt bì 12g mạch môn đông 12g, tiểu mạch 8g, sắc uống.

Bài 9: Trị chứng phiền táo, bứt rứt nóng trong xương, hoặc nóng bứt rứt do hư lao, hay sau khi ốm nặng: địa cốt bì 80g, phòng phong 40g, trích thảo  20g, nghiền bột trộn đều, mỗi lần 20g, sắc với 5 lát gừng, uống trong ngày.

Bài 10: Trị lao phổi trong xương nóng âm ỉ, ra mồ hôi trộm:  địa cốt bì 12g, miết giáp 12g, tri mẫu 12g, ngân sài hồ 16g, tần cửu 12g. Sắc uống ngày một thang chia 2-3 lần

Bài11: Nếu đái ra máu dùng địa cốt bì tươi giã nát lấy nước cốt hoặc địa cốt bì khô sắc đặc, uống mỗi lần một chén, thêm ít rượu uống trước bữa ăn.

Bài 12: Trường hợp đái đường dùng địa cốt bì, rễ khổ qua, lô căn (rễ lau) mỗi thứ 45g, mạch môn đông 60g, đại táo 20g, nghiền bột mỗi lần 9g sắc uống nóng, ngày 2 lần.     

Theo SKDS

dongyhoangtuyen.com

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CÁC BÀI LIÊN QUAN